Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vừa công bố báo cáo mục tiêu tổng quát, kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh số bán vàng và trang sức tăng vọt so với năm trước đó, trong bối cảnh giá vàng đang rất cao và nhu cầu đối với kim loại quý vẫn rất lớn.
Cụ thể, trong báo cáo gửi UBND TPHCM, SJC lên kế hoạch doanh thu năm 2025 đạt gần 34.898 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm trước đó.
Đây là mục tiêu cao trong bối cảnh Công ty SJC có thay đổi về dàn lãnh đạo sau khi Tổng Giám đốc Lê Thúy Hằng (1970) và 5 bị can khác cuối năm 2024 bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại SJC với 2 tội danh: Tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn, do UBND TPHCM quản lý. Từ năm 2012, doanh nghiệp này được Ngân hàng Nhà nước chọn là đơn vị sản xuất độc quyền vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC.

Cũng theo báo cáo, doanh nghiệp chiếm thị phần vàng miếng lớn nhất cả nước đặt mục tiêu năm 2025 gia công 20.074 lượng vàng, đồng thời bán ra hơn 503.858 món nữ trang. Công ty dự kiến lợi nhuận trước và sau thuế tăng khoảng 25%, lần lượt đạt gần 119 tỷ đồng và 88,9 tỷ đồng.
Trong năm 2024, SJC dự tính doanh thu 30.145 tỷ đồng và lãi sau thuế 70 tỷ đồng. Công ty hiện chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2024.
Tại thị trường trong nước, SJC, Doji, Phú Nhuận, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Phú Quý,… là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh vàng. Nhiều đơn vị có doanh thu lớn nhưng lợi nhuận mỏng dù giá vàng chênh lệch lớn, biến động mạnh.
Về thị phần, trong các năm trước, SJC đứng đầu về doanh thu nhưng gần đây vị trí này đã thuộc về PNJ. Về lợi nhuận, từ lâu PNJ đã chiếm vị trí số 1. Cụ thể, từ năm 2018, lợi nhuận của PNJ đã đạt gần 960 tỷ đồng, gấp nhiều lần lợi nhuận của Doji và SJC cộng lại. Lợi nhuận Doji (công ty mẹ) và SJC chỉ vài chục tỷ đồng.
Thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh vàng ghi nhận lợi nhuận tăng trong bối cảnh giá vàng tăng, giá biến động mạnh và thị trường sôi động. Các doanh nghiệp vàng được hưởng lợi từ chênh lệch giá mua – bán (lên tới 2-3 triệu đồng/lượng thời điểm sốt nóng) và doanh thu tăng.
Với SJC, trong năm 2024, nhiều khả năng doanh nghiệp này có kết quả tốt bởi giá vàng miếng biến động mạnh. Từ mức 67 triệu đồng mỗi lượng hồi đầu năm 2023, giá tăng lên sát 84 triệu đồng vào cuối năm 2024. Đầu năm 2025, giá tăng tiếp lên đỉnh mới gần 103 triệu đồng/lượng và đang ở mức 100 triệu đồng.
Cho dù độc quyền vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC, nhưng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn có lợi nhuận siêu mỏng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2023, SJC ghi nhận doanh thu lên tới hơn 28,4 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 61 tỷ đồng. Giá vốn chiếm gần hết doanh thu, lên tới gần 28,2 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022 SJC ghi nhận doanh thu gần 27.200 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 49,2 tỷ đồng.
SJC cũng ghi nhận hàng tồn kho lớn. Tới cuối năm 2023, tồn kho (chủ yếu là vàng) đạt 1.446 tỷ đồng, rất lớn so với tổng tài sản 1.898 tỷ đồng.

Nguồn: vietnamnet