Giá vàng trong nước trong phiên 5/11 giảm khá mạnh theo đà đi xuống của vàng thế giới. Giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á có lúc giảm xuống mức 2.725 USD/ounce.
Như vậy, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế liên tục giảm từ đầu tháng 11 cho tới nay, từ mức đỉnh cao lịch sử 2.789 USD/ounce (tương đương 86,4 triệu đồng/lượng) xuống mức như hiện tại, giảm khoảng 2,3%.
Vàng thế giới giảm, áp lực chốt lời vẫn còn rất lớn sau khi mặt hàng này đã tăng 32-35% kể từ đầu năm, đang quanh vùng đỉnh lịch sử 2.730-2.790 USD/ounce so với mức 2.063 USD/ounce hồi cuối năm 2023.
Chốt lời được xem là một lựa chọn trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế giữa các nước cũng như các chính sách kinh tế có thể thay đổi rất nhiều chỉ sau một ngày bầu cử 5/11 (kết thúc vào sáng 6/11 giờ Việt Nam).
Rủi ro biến động của các loại tài sản là rất lớn, có thể tăng vọt hoặc giảm sâu.
Với vàng, thế giới càng biến động và bất ổn, mặt hàng này càng có lợi. Tuy nhiên, ở vào thời điểm giá đang trên vùng đỉnh lịch sử thì quyết định bán ra được xem là tâm lý chung bao trùm trên thị trường.
Hậu bầu cử Mỹ, giá vàng 10 ngày tới sẽ ra sao?
Một câu hỏi được đặt ra là, vậy vàng sẽ ra sao, tiếp tục tăng giá hay giảm giá sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, 10 ngày tới và trong năm 2025? Nếu tăng thì tăng mạnh hay tăng từ từ, còn giảm thì có lao dốc hay không? Và nếu ông Donald Trump lên nắm quyền thì sao, còn nếu nước Mỹ lần đầu tiên có nữ tổng thống, là bà Kamala Harris thì sẽ thế nào?
Trước đó, rất nhiều dự báo vàng sẽ tiếp tục tăng giá sau cuộc bầu cử Mỹ. Vàng được dự báo tăng theo đà giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), từ cao nhất trong 23 năm, 5,25-5,5%/năm xuống còn 4,75-5%/năm từ hôm 18/9 và tới 2026 là sẽ còn khoảng 3%.
Giám đốc chiến lược Michele Schneider đến từ hãng MarketGauge từng chia sẻ trên Kitco cho rằng, “vàng cuối cùng sẽ là người chiến thắng”, “bất kể ai thắng cuộc bầu cử vào tháng 11, giá vàng sẽ tăng cao hơn”.
Trên thực tế, mức nợ của Mỹ đang tiến đến mức nghiêm trọng và trên đà tăng cao không bền vững sau những cú bơm tiền hậu đại dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gần đây.
Theo các chuyên gia, bất kể ông Donald Trump hay bà Kamala Harris lên nắm quyền, chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ tiếp tục bơm tiền để thực thi các chính sách đã cam kết với cử tri của mình.
Với ông Trump, chính sách là bảo hộ thương mại, cắt giảm thuế, đặc biệt cho giới siêu giàu, tập đoàn lớn… Tiền sẽ được bơm ra qua các doanh nghiệp. Trong khi bà Harris tính “bơm” tiền đồng đều cho những người Mỹ “khó khăn” và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một khi tiền được bơm ra (cùng với lãi suất giảm), vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce trong năm 2025.
Tuy nhiên, trước mắt vàng sẽ chịu áp lực bán ra để tránh rủi ro trước và ngay sau bầu cử Mỹ. Thị trường sau đó sẽ dần ổn định trở lại, có thể trong vòng sau 1 tuần – 10 ngày tới, và dòng tiền sau đó có thể sẽ dần quay trở lại với vàng khi mà cả thế giới đều đang hạ lãi suất.
Nếu ông Trump trúng cử, tiền bơm trực tiếp vào nền kinh tế có thể ít hơn, và ông Trump có thể sẽ giúp giải quyết căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, Ukraine… như tuyên bố. Vàng có thể sẽ tăng chậm hơn.
Còn nếu bà Harris trở thành tổng thống, tiền có thể được bơm trực tiếp mạnh hơn và căng thẳng tại nhiều khu vực có lẽ không được giải quyết nhanh chóng. Vàng sẽ có tốc độ tăng nhanh hơn.
Dù vậy, tất cả mới chỉ là dự báo, biến động của vàng còn phụ thuộc vào các chính sách đối nội đối ngoại cụ thể của tổng thống mới của Mỹ cũng như sự dịch chuyển của dòng tiền giữa các kênh đầu tư và/hoặc loại tài sản trên thế giới…
Trong phiên giao dịch ngày 5/11, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn và 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank điều chỉnh giảm 500 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua – bán so với phiên liền trước xuống tương ứng 87 – 89 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn cũng giảm khoảng 200.000 đồng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 86,8-88,3 triệu đồng/lượng (mua-bán), còn Doji để ở mức 87,5-88,5 triệu đồng/lượng.
Nguồn: vietnamnet