Giá vàng giao ngay mở đầu tuần ở mức 3.338,55 USD/ounce. Sau khi giảm nhẹ xuống dưới 3.300 USD, kim loại quý này đã bật tăng trở lại khi các nhà giao dịch tại thị trường Hoa Kỳ quay lại sau kỳ nghỉ lễ dài.

Giá vàng nhanh chóng chạm mốc 3.336 USD khi kết thúc phiên giao dịch tại Bắc Mỹ và tiếp tục tăng lên 3.345 USD/ounce vào cuối phiên chiều. Tuy nhiên, lực bán từ thị trường châu Á và châu Âu đã khiến giá vàng điều chỉnh xuống còn 3.320 USD/ounce.

Trong phiên giao dịch thứ Ba, giá vàng thế giới tiếp tục giảm xuống dưới mốc 3.300 USD. Đây được xem là ngưỡng kháng cự khiến thị trường đi ngang trong suốt phiên.

Không ngoài dự đoán, các nhà giao dịch Bắc Mỹ tiếp tục đóng vai trò là động lực chính của thị trường. Ngay đầu phiên thứ Tư, giá vàng giao ngay đã vượt ngưỡng 3.300 USD. Sau đó, lực mua từ thị trường châu Á và châu Âu giúp giá đạt đỉnh gần 3.330 USD/ounce.

Đà tăng tiếp tục trong phiên thứ Năm khi giá vàng vượt mốc 3.336 USD và ghi nhận mức cao nhất trong tuần tại 3.345 USD/ounce.

vàng - Chí Hiếu (12).jpg
Chuyên gia dự báo tích cực về triển vọng giá vàng. Ảnh: Chí Hiếu

Tại thị trường Bắc Mỹ, giá vàng chạm đỉnh tuần ở 3.368,86 USD/ounce. Sau đợt kiểm tra ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 3.350 USD, giá giao dịch trong biên độ hẹp khoảng 5 USD quanh mức 3.355 USD vào cuối tuần.

Tại thị trường vàng trong nước, ngày 12/7, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 119,5-121,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng so với phiên hôm trước.

Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC được niêm yết ở mức 115-117,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), không đổi so với phiên hôm trước. Giá vàng nhẫn 9999 tại Doji ở mức 116-119 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với phiên hôm trước.

Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch với giá vàng SJC trong nước vào khoảng 14 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tuần tới ra sao?

Dự báo giá vàng thời gian tới, các chuyên gia đưa ra nhận định tích cực về triển vọng giá vàng trong ngắn hạn, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục bất ổn. Nhà đầu tư được khuyến nghị theo dõi sát các diễn biến vĩ mô và địa chính trị để đưa ra quyết định phù hợp với khẩu vị rủi ro.

Ông Adam Button, Giám đốc Chiến lược Tiền tệ tại Forexlive, cho biết thị trường đang phân hóa sau khi dự luật “Big Beautiful Bill” được thông qua.

Theo ông Button, các nhà đầu tư lạc quan đang mua cổ phiếu với kỳ vọng thâm hụt ngân sách sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, nhóm bi quan chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn như vàng, bạc và Bitcoin. Ông Button cho rằng vàng là lựa chọn ưu tiên của các ngân hàng trung ương và các tổ chức quản lý dự trữ toàn cầu.

Chính sách kinh tế của ông Trump và bất ổn xoay quanh các biện pháp thuế quan cũng khiến nhà đầu tư có xu hướng bán USD để nắm giữ vàng. Tuy nhiên, Button đánh giá, hoạt động bán lẻ chưa phải là động lực chính dẫn dắt giá vàng thời điểm hiện tại.

Ông Daniel Pavilonis, chuyên gia môi giới cao cấp tại RJO Futures, nhận định các yếu tố như dự luật ngân sách Mỹ và gánh nặng nợ toàn cầu đang là động lực dài hạn thúc đẩy giá vàng. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng vàng vẫn đang bị “mắc kẹt” trong biên độ hẹp và có thể điều chỉnh về đường trung bình 200 ngày.

Các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, thuế quan và lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga đang hỗ trợ giá vàng trong ngắn hạn. Ông Pavilonis cũng lưu ý chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang giảm tính cạnh tranh, khiến doanh nghiệp Mỹ dần chuyển hướng sản xuất nội địa, qua đó duy trì nhu cầu đối với kim loại.

Dù các dữ liệu lạm phát (CPI) và chính sách thuế của EU sắp công bố, ông Pavilonis không cho rằng các thông tin này sẽ tạo ra biến động mạnh trong ngắn hạn. Thị trường vàng có thể tiếp tục đi ngang tích lũy trong nhiều tháng, trước khi bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Ông Alex Kuptsikevich, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, cho biết giá vàng đang trong giai đoạn tích lũy kéo dài 12 tuần, với biên độ dao động ngày càng thu hẹp. Ông Kuptsikevich đánh giá đường trung bình động 50 ngày vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật quan trọng.

Tuy nhiên, đồng USD mạnh lên đang tạo sức ép lên thị trường kim loại quý. Dù biên bản cuộc họp FOMC tháng 6 cho thấy một số thành viên ủng hộ nới lỏng chính sách tiền tệ ngay trong tháng 7 – yếu tố hỗ trợ giá vàng nhưng triển vọng vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến lạm phát và thị trường lao động Mỹ.

Về mặt kỹ thuật, ông Kuptsikevich cho rằng khả năng vàng vượt khỏi vùng dao động 3.250-3.450 USD/ounce trong ngắn hạn là không cao. Nếu giá tiến sát vùng 3.370-3.400 USD trong tuần này, đó có thể là tín hiệu cho thấy khả năng bứt phá. Ngược lại, nếu vàng tiếp tục dao động quanh 3.300-3.350 USD, nguy cơ điều chỉnh giảm sẽ gia tăng.